Nhiều thương hiệu chung một mặt bằng

Thứ Wed,
20/07/2022
Đăng bởi Trần Xuân Bắc

Nhiều mô hình kinh doanh, bán lẻ đang vận hành theo kiểu nhiều thương hiệu kết hợp sử dụng chung mặt bằng để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh

Đầu tháng 7, ngay tại mặt bằng của nhà hàng Ba Gác (đường Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM) xuất hiện thêm quầy bún bò thương hiệu "Bún bò 1994" với nhiều chương trình khuyến mãi khai trương. Sự xuất hiện của thương hiệu mới này không làm ảnh hưởng đến quầy cà phê "Ông Bầu" vốn đã kinh doanh tại đây từ năm 2020.

Các chuỗi song hành

Theo thông báo của chuỗi "Bún bò 1994", thương hiệu này sẽ tiếp tục mở chi nhánh tại 183 Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận), nơi nhà hàng Ba Gác cũng đã chia sẻ một phần mặt bằng cho cà phê "Ông Bầu" vào buổi sáng.

 

Mới đây, Sagrifood, thành viên của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), cũng vừa khai trương cửa hàng tiện lợi mới trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) có một góc dành cho quầy cà phê, bánh mì thương hiệu "Hàng nước Tự do". Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch HĐTV Sagri, cho biết đây là mô hình thí điểm với mục tiêu thu hút thêm khách vào cửa hàng, giúp tăng doanh thu. "Nếu hoạt động hiệu quả, mô hình sẽ được nhân rộng ra các chi nhánh khác của Sagrifood" - ông Hổ nói thêm.

Ông Phạm Đình Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Hàng nước Tự do, cho hay việc "ở ghép" trong cửa hàng tiện lợi giúp quầy cà phê, bánh mì của ông có vị trí kinh doanh tốt ngay tại khu vực có nhiều cao ốc văn phòng, trường học.

Ngoài ra, bên ngoài cửa hàng còn có không gian khá rộng để đặt một số bàn ghế phục vụ khách ăn uống tại chỗ, ngoài nhóm khách mua hàng mang đi. Cũng theo ông Lợi, sự kết hợp 2 thương hiệu theo dạng hợp tác kinh doanh dựa trên doanh số bán ra chứ không phải thuê mặt bằng.

Ông Nguyễn Chánh, phụ trách nhượng quyền Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Quốc Trọng (chuỗi gà rán FKT với gần 30 điểm bán tại TP HCM), cho biết xu hướng các chuỗi song hành sử dụng chung mặt bằng ngày càng nhiều.

"Hiện nay mô hình dịch vụ ăn uống (F&B) dạng chuỗi quy mô nhỏ ngày càng nở rộ do số vốn ban đầu bỏ ra nhỏ (dưới 100 triệu đồng), dễ thu hút được nhà đầu tư và mọi chi phí đều được tiết kiệm tối đa. Chúng tôi đang lên kế hoạch kết hợp với chuỗi bánh mì Sunrises Kebab vì họ chủ yếu chỉ bán buổi sáng, gà rán FKT bán buổi chiều, hai bên chia nhau tiền thuê mặt bằng" - ông Chánh thông tin.

Về lý do vì sao không tự tổ chức kinh doanh cả sáng - chiều mà phải đi cùng thương hiệu khác, ông Chánh giải thích việc kinh doanh cần được chuyên nghiệp hóa. "Điểm bất lợi của việc dùng chung mặt bằng là thương hiệu đến sau phải thuê lại mặt bằng của thương hiệu thuê trước, không được làm việc trực tiếp với chủ nhà nên sẽ gặp rủi ro nhiều hơn. Tuy nhiên, do những mô hình này đều nhỏ nên rất linh hoạt, việc chuyển địa điểm không quá phức tạp" - ông Chánh nhìn nhận.

Không chỉ các chuỗi nhỏ, những "ông lớn" trên thương trường cũng song hành nhằm cộng hưởng sức mạnh để cùng phát triển. Đơn cử, sau cái bắt tay giữa Tập đoàn KIDO (sở hữu chuỗi Kiosk Chuk Chuk) và Central Retail (chủ các siêu thị Big C, Top Market, GO!...), chuỗi Kiosk Chuk Chuk (đang chuyển sang nhận diện thương hiệu mới là Chuk Tea & Coffee) đã có mặt tại một số siêu thị của Central Retail. Khá nhiều cửa hàng trong chuỗi 45 cửa hàng Chuk Chuk hoạt động rất hiệu quả, luôn đông khách.

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KIDO Group, cho biết việc bắt tay cùng Central Retail để phát triển chuỗi Chuk Tea & Coffee tại hệ thống bán lẻ của Central Retail tại Việt Nam, hướng đến thị trường Thái Lan và các nước Đông Nam Á. Theo đó, KIDO có thế mạnh về sản xuất, Central Retail có hệ thống trung tâm thương mại, phân phối đa kênh, rộng khắp cả nước và cũng là cửa ngõ xuất khẩu F&B của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Lợi nhuận tăng vọt

Khi mua cổ phần chuỗi trà - cà phê Phúc Long năm 2021, Masan đã hướng đến việc tích hợp Phúc Long vào hệ thống siêu thị Winmart, cửa hàng tiện lợi Winmart+ nhằm đem về 20% doanh thu cho mỗi điểm bán. Và thực tế, doanh thu của chuỗi này đã tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn nên Masan đã mua thêm 31% cổ phần Phúc Long vào năm 2022, đặt mục tiêu doanh thu chuỗi trà - cà phê này đạt từ 2.500 - 3.000 tỉ đồng (tăng ít nhất 3 lần so với năm 2019) trong năm nay. Một phần trong doanh thu đó đến từ việc mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và ki-ốt Phúc Long trong Winmart/ Winmart+ cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm.

Tính đến giữa tháng 7 này, chuỗi Phúc Long đã phát triển 981 ki-ốt tại chuỗi Winmart/ Winmart+, tăng 221 ki-ốt so với cuối quý I/2022. Kế hoạch năm nay, hệ thống sẽ mở mới 400 ki-ốt Phúc Long tại hệ thống Winmart/Winmart+ với mục tiêu tiếp tục chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu tại các thành phố lớn cũng như đẩy nhanh việc mở ki-ốt tại các đô thị loại 2. Đối với các ki-ốt, Phúc Long dự kiến xây dựng thực đơn mới với mức giá phải chăng giúp tăng lưu lượng khách hàng tại các điểm bán.

Tương tự, ki-ốt cà phê The Coffee House, mở lần đầu vào tháng 10-2021 cạnh siêu thị KingfoodMart (cùng hệ sinh thái quỹ đầu tư Seedcom), cũng tăng điểm bán cùng các siêu thị mới khai trương. Đại diện truyền thông Seedcom cho biết các ki-ốt cà phê đang hoạt động tốt và trong tương lai, KingfoodMart đi đến đâu thì The Coffee House mini theo đến đó.

Theo các chuyên gia, việc các thương hiệu có chung chủ sở hữu hay nhà đầu tư thì việc ghép chung càng thuận lợi, tạo lợi thế so với các đối thủ. Ví dụ như một thương hiệu cà phê được đặt quầy tại các chi nhánh của một ngân hàng, vị trí mà nhiều chuỗi cà phê nhỏ mơ ước nhờ có chung một cổ đông lớn.

Theo báo Người Lao động